Truyện cổ tích Nàng bạch tuyết và bảy chú lùn và Bảy bài học ý nghĩa cho bé

Truyện cổ tích Nàng bạch tuyết và bảy chú lùn và Bảy bài học ý nghĩa cho bé được người Mỹ dạy con họ qua truyện cổ tích Grimm nổi tiếng này.

Truyện cổ tích Nàng Bạch Tuyết Và Bảy Chú Lùn là một trong những câu chuyện cổ tích hay nhất trong kho tàng truyện cổ tích trên thế giới. Đây là một truyện cổ tích nổi tiếng trong bộ sưu tập truyện cổ tích Grimm. Truyện cuốn hút người đọc nhờ những tình tiết kỳ thú và sinh động như: gương thần, ngôi nhà của bảy chú lùn, nụ hôn của hoàng tử đã cứu sống nàng Bạch Tuyết. Các em cùng theo đọc truyện cổ tích này nhé!

Truyện cổ tích Nàng bạch tuyết và bảy chú lùn

Ngày xửa ngày xưa, ở một vương quốc nọ. Độ ấy đang vào giữa mùa đông, tuyết rơi phủ trắng cả bầu trời, có một bà hoàng hậu ngồi khâu bên cửa sổ làm bằng gỗ mun đen nhánh. Bà mải ngắm nhìn cảnh vật nên thơ bên ngoài sơ ý để kim khâu đâm vào tay và ba giọt máu đỏ rơi xuống in màu đậm lên nền tuyết trắng phau. Nhìn màu đỏ tươi nổi bật trên tuyết, hoàng hậu ngẫm nghĩ:

– Ước gì mình có một cô con gái thật xinh đẹp, da trắng như tuyết, môi đỏ như son, tóc đen nhánh như gỗ mun thì thật là tuyệt.

Y như ước nguyện, chẳng lâu sau bà mang thai, sinh hạ được một cô con gái, da trắng như tuyết, môi đỏ như son và tóc đen nhánh như gỗ mun. Bà đặt tên con gái là Bạch Tuyết. Ba năm sau thì bà bệnh nặng qua đời, Bạch Tuyết cứng cỏi dần lên thì vua cha đi thêm bước nữa. Ông lấy một bà Hoàng hậu khác cũng vô cùng xinh đẹp nhưng tính cách lại kiêu căng ngạo mạn, khinh người. Tuy sống cùng trong một cung điện nhưng bà ta không hề ưa thích Bạch Tuyết, luôn tìm mọi cứ để chì chiết ghét bỏ cô. Bà ta có một chiếc gương thần biết nói, mỗi khi đứng ngắm mình trước gương, bà ta lại hỏi:

– Gương kia ngự ở trên tường,
Thế gian ai đẹp được dường như ta?

Gương trả lời:
– Muôn tâu hoàng hậu, hoàng hậu chính là người đẹp nhất ở nước này.

Truyện cổ tích Nàng bạch tuyết và bảy chú lùn và Bảy bài học ý nghĩa cho bé
Truyện cổ tích Nàng bạch tuyết và bảy chú lùn và Bảy bài học ý nghĩa cho bé

Hoàng hậu nghe thấy thế thì hài lòng lắm, mụ cười khanh khách vang khắp cả căn phòng.

Bạch Tuyết càng lớn, càng trở nên xinh đẹp. Bảy tuổi nàng đẹp như nắng sớm mai tươi tắn và tràn đầy sức sống, nàng so với Hoàng hậu thì đẹp hơn bội phần. Có lần hoàng hậu ngồi trước gương và hỏi:
– Gương kia ngự ở trên tường,
Thế gian ai đẹp được dường như ta?

Gương thành thật trả lời:
– Thưa hoàng hậu! Xưa kia bà đẹp nhất trần. Ngày nay Bạch Tuyết muôn phần đẹp hơn.

Hoàng hậu nghe gương thần nói thế thì vừa ngạc nhiên vừa căm phẫn, bà ta vô cùng túc giận và ghen tị. Từ đó trở đi, cứ hễ thoáng nhìn thấy Bạch Tuyết, mụ ta càng săm soi cô, khó chịu, bực tức, rồi đâm ra căm ghét cô bé. Những cơn ghen ghét và lòng đố kỵ của mụ ngày càng mãnh liệt làm cho mụ ngày đêm bực bội, bứt rứt. Mụ luôn muốn mình là người đẹp nhất, không ai có thể sánh bằng. Mụ nghĩ, chỉ còn cách duy nhất là giết Bạch Tuyết đi thì sẽ không còn ai đẹp hơn mụ nữa. Nói là làm, một lần, mụ cho gọi một người thợ săn đến và bảo:

– Ngươi hãy mang con bé này vào trong rừng sâu và giết nó đi, khi giết nó thì mang quả tim và lá gan nó về đây cho ta, nếu ngươi không hoàn thành nhiệm vụ thì người bị chết sẽ chính là ngươi.

Người thợ săn theo lời dẫn Bạch Tuyết vào rừng sâu. Bác rất thương cô bé, không tội tình gì mà phải chết nhưng nếu bác không giết cô thì Hoàng Hậu cũng sẽ giết bác. Khi bác toan rút dao đâm cô bé thì cô òa khóc và nói:

– Bác thợ săn ơi, bác đừng giết cháu mà tội nghiệp, bác hãy để cháu sống, cháu sẽ trốn trong rừng mãi mãi không bao giờ quay lại cung nữa.

Bác thợ săn cũng không đành lòng, bèn gật đầu đồng ý:

– Con hãy mau mau trốn đi và đừng bao giờ quay trở lại, mụ Hoàng Hậu sẽ giết con lần nữa đấy.

Bạch Tuyết vội chạy thật nhanh vào rừng sâu, nhìn bóng dáng bé liêu xiêu của cô, bác thở dài: “Cầu mong cho cô bé được sống bình an, thú rừng đừng ăn thịt cô”. Bác cảm thấy trong lòng vô cùng thoải mái vì đã không ra tay giết cô bé đáng yêu như thế. Đúng lúc đó, có một con hoẵng chạy đến, bác vội giết nó, lấy quả tim và lá gan của nó vào thế chỗ nộp cho Hoàng hậu. Mụ ta thấy tim gan Bạch Tuyết thì vui lắm, sai người hầu xào lên cho mụ ăn. Nghĩ là tim gan Bạch Tuyết nên mụ ngấu nghiến ăn như muốn nhai nát cô.

Về phần Bạch Tuyết, cô cứ chạy mãi, chạy mãi, không biết chạy đã bao lâu, cả khu rừng mênh mông chỉ có mình cô lang thang, thú dữ vây quanh cô nhưng không con nào đụng đến cô. Đang chạy cô vấp phải tảng đá, ngã sóng xoài xuống đất. Đôi giày trước khi mất mẹ tặng lại cho cô giờ đã rách tươm, đôi chân trầy máu đỏ cả giày, cô tủi thân khóc nức nở, muông thú thấy thế thì túm lại quanh cô ngơ ngác nhìn. Cô bé nghĩ: “Mình không thể yếu đuối thế này được, mình phải đứng dậy thôi”. Nghĩ thế cô lại đứng dậy tiếp tục đi, cô băng qua mấy con suối, qua những lùm cây rậm rạp, bỗng cô nhìn thấy một lối mòn, men theo đó đi đến một ngôi nhà gỗ nhỏ, liền tiến đến gõ cửa. Lúc ấy cũng đã xẩm tối, cô gõ mãi mà không thấy ai ra mở cửa, cô tự đẩy cửa bước vào.

Cô ngạc nhiên nhìn, thấy tất cả mọi đồ vật trong nhà đều nhỏ xíu, xinh xắn và hết sức ngăn nắp, sạch sẽ. Giữa nhà có một bàn ăn trải khăn trắng tinh, trên bàn bày bảy cái đĩa thức ăn nhỏ. Cô tiến đến ngồi vào bàn, bụng đang đói, cô ăn mỗi đĩa một ít rau, vài chiếc bánh và uống ở mỗi li một ít sữa, cô không muốn để một ai bị mất phần.

Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn sống hạnh phúc trong rừng sâu
Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn sống hạnh phúc trong rừng sâu

Ăn xong cô tò mò đi lên cầu thang thì thấy một căn phòng kê một dãy bảy chiếc giường nhỏ nối tiếp nhau, chiếc nào cũng trải chăn trắng muốt. Quá mệt mỏi vì chạy cả ngày nay, cô cứ thế đặt lưng xuống giường ngủ, ngặt nỗi cái nào cũng ngắn, đến cái thứ 7 mới vừa. Bạch Tuyết nằm ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Khi trời tối mịt, những chủ nhân của căn nhà nhỏ trở về: đó là bảy chú lùn thường ngày đào bới quặng sắt ở trong núi. Họ thắp bảy ngọn đèn xinh xinh và khi đèn tỏa sáng khắp căn nhà, họ cảm thấy căn nhà hôm nay lạ lạ, hình như có ai đã vào nhà, vì mọi vật không còn giữ nguyên như khi họ rời căn nhà đi làm nữa.

Chú thứ nhất nói: – Ai đã ngồi lên ghế xinh đẹp của tôi?

Chú thứ hai nói: – Ai đã ăn nho ở đĩa của tôi?

Chú thứ ba nói: – Ai đã ăn bánh của tôi?

Chú thứ tư nói: – Ai đã nếm rau ở đĩa của tôi?

Chú thứ năm nói: – Ai đã đụng vào chiếc nĩa của tôi rồi?

Chú thứ sáu nói: – Thế còn chiếc dao của tôi sao lại dính thức ăn thế này?

Chú thứ bảy nói: – Sao ly sữa của tôi lại vơi đi một nửa thế?

Nhìn quanh căn phòng không thấy ai lạ, bảy chú lùn cầm nến soi theo lối cầu thang, lần lượt kéo nhau lên tầng. Mọi chiếc giường đều không còn ngay ngắn như trước: “Hình như có ai đó đã nằm trên giường của chúng ta”

Khi chú thứ bảy nhìn vào giường mình thì thấy Bạch Tuyết đang ngủ. Thế là chú gọi những chú kia chạy tới. Ai nấy đều ngạc nhiên, họ cầm bảy ngọn đèn soi Bạch Tuyết và reo lên:

– Òa, một cô bé thật xinh đẹp!

Bỗng thấy có ánh sáng rọi đến, Bạch Tuyết chợt tỉnh giấc, thấy bảy chú lùn đang đứng quanh nhìn mình thì sợ hãi. Nhưng bảy người đều thân mật hỏi cô:

– Cô là ai? Tại sao lại lạc vào rừng này? Sao cô lại đến được nhà của chúng tôi?

Bạch Tuyết trả lời: – Tôi là Bạch Tuyết. Rất xin lỗi vì đã ăn đồ ăn của các bạn, lại ngủ trên giường này.

Thế rồi Bạch Tuyết kể hết đầu đuôi câu chuyện Hoàng Hậu muốn hại mình nhưng bác thợ săn tốt bụng đã giúp đỡ cô. Cô đã chạy trốn suốt một ngày trời và lạc đến đây. Cô xin được ở lại nơi này.

Các chú lùn nghe thấy thế thì thương cô lắm, bảo cô:

– Nếu cô đồng ý trông nom nhà cửa, nấu ăn, rũ giường, giặt quần áo, khâu vá, thêu thùa, quét tước, dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ ngăn nắp thì cô có thể ở lại với chúng tôi. Chúng tôi cũng rất quý mến cô.

Bạch Tuyết nói:
– Thật lòng cảm ơn các bạn, tôi sẽ cố gắng làm việc giúp đỡ các bạn.

Tối đó Bạch Tuyết được chú lùn thứ bảy nhường giường ngủ cho, còn chú đi ngủ nhờ giường của các chú lùn khác. Sáng hôm sau, Bạch Tuyết sửa soạn chuẩn bị bữa sáng cho các chú. Các chú lùn tỉnh dậy thấy bàn thức ăn thơm ngon thì vui vẻ lắm, ai nấy đều tấm tắc khen cô. Các chú xây cho Bạch Tuyết một gian phòng riêng, sơn màu hồng tươi tắn, giường ngủ phủ nệm hồng, căn phòng y như của một búp bê xinh đẹp vậy.

Từ đó, Bạch Tuyết sống vui vẻ cùng bảy chú lùn, cô giúp đỡ họ đảm đương mọi việc trong nhà, lau chùi dọn dẹp, sáng sáng các chú lùn vào mỏ tìm sắt và vàng cho mãi tới chiều tối mới về, thì thức ăn của họ đã bày sẵn trên bàn. Suốt cả ngày, Bạch Tuyết ở nhà một mình làm bạn với các con động vật bé nhỏ, bầy chim líu lo đọ giọng hát với cô, những chú hươu thì giúp cô xách nước. Cuộc sống cứ êm đềm diễn ra như vậy. 10 năm sau, cô đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần, tươi tắn như hoa sớm mai, trong trắng như sương thuần khiết. Các chú lùn tốt bụng luôn nhắc nhở, căn dặn cô:

– Hãy canh chừng mụ dì ghẻ nhé! Chẳng bao lâu mụ sẽ biết là cô ở đây. Chúng tôi đi làm không có ở nhà thì cô đừng cho ai vào nhà nhé.

Lại nhắc về Hoàng hậu, từ ngày mụ bắt bác thợ săn giết Bạch Tuyết, mụ đinh ninh rằng chẳng có ai có thể đẹp hơn mình nữa, nên cũng không mang gương thần ra hỏi. Một lần nọ, nghe thấy đức vua nhớ thương Bạch Tuyết, mụ quay về đứng ngắm mình trước gương và hỏi:

– Gương kia ngự ở trên tường,
Thế gian ai đẹp được dường như ta?

Gương trả lời:
– Thưa hoàng hậu, xưa kia bà đẹp nhất trần. Ngày nay Bạch Tuyết muôn phần đẹp hơn. Nàng ta ở khuất núi non. Trong nhà của bảy chú lùn xa xa.

Mụ hoảng hốt giật mình, mụ biết rằng gương không bao giờ nói dối, vậy thì chắc chắn tên sợ thăn kia đã tha cho Bạch Tuyết và nói dối mụ. Mụ ngồi nghĩ mưu giết Bạch Tuyết cho bằng được, chừng nào Bạch Tuyết còn sống thì bà còn mất ăn mất ngủ. Sau mụ nghĩ ra một kế, mụ trang điểm thành một bà lão già, mặc quần áo rách rưới, trông khó lòng mà nhận ra được, rồi mụ mụ vượt bảy ngọn núi tới nhà bảy chú lùn. Mụ gõ cửa và rao:
– Hàng tốt, hàng đẹp đây, có ai mua không?

Bạch Tuyết thò đầu qua cửa sổ hỏi: – Chào bà, bà bán gì thế ạ?

– Đây là chiếc lược do chính tay ta làm, rất tỉ mỉ, nếu có nó mái tóc đẹp của con sẽ thêm mượt mà hơn.

Bạch Tuyết nghe thấy thế thì vui lắm, vội mở cửa cho bà lão vào, bà ta ngon ngọt: – Hãy để ta chải đầu cho con.

Bạch Tuyết cúi đầu cho bà chải, ngờ đâu chiếc lược vừa chạm vào tóc cô, cô đã lăn ra bất tỉnh. Thì ra mụ ta đã tẩm thuốc độc vào chiếc lược. Mụ già độc ác thấy cô lăn ra đất thì cười ha hả:
– Thế là người đẹp nhất nước đã không còn trên cõi đời!

Mụ vội vàng bỏ đi. Nhưng may thay trời sắp tối, một lát sau thì bảy chú lùn về tới nhà. Thấy Bạch Tuyết nằm bất động ở dưới đất, họ nghi ngay mụ dì ghẻ, họ nhanh chóng tìm thấy chiếc lược tẩm thuốc độc cài trên đầu Bạch Tuyết, vừa mới lấy lược ra thì Bạch Tuyết tỉnh dậy kể lại sự việc đã xảy ra. Bảy chú lùn lại căn dặn cô phải cẩn thận, bất cứ ai đến cũng không mở cửa.

Bước chân về tới nhà, hoàng hậu lại soi gương và hỏi:

– Gương kia ngự ở trên tường,
Thế gian ai đẹp được dường như ta?

Cũng như mọi lần, gương trả lời:

– Thưa hoàng hậu, xưa kia bà đẹp nhất trần. Ngày nay Bạch Tuyết muôn phần đẹp hơn. Nàng ta ở khuất núi non. Trong nhà của bảy chú lùn xa xa.

Nghe gương như vậy toàn thân mụ run lên vì tức giận, mụ thét lên:

– Bạch Tuyết không thể còn sống được, mày phải chết, tao mới chính là người đẹp nhất thế gian này.

Sau đó mụ xuống căn hầm bí mật, nơi mà mụ dùng để chế thuốc độc, mụ lấy một quả táo, tẩm vào đó một ít thuốc độc, mụ ta nghĩ: “con bé mà ăn phải quả táo này chắc chắn sẽ không bao giờ sống lại được, bọn người lùn kia đừng hòng cứu sống”. Khi tẩm thuốc xong, mụ lại trang điểm trở thành một bà già khác, nhem nhuốc và xấu xí. Rồi mụ lại vượt bảy quả núi đến nhà bảy chú lùn. Mụ gõ cửa, Bạch Tuyết thò đầu qua cửa sổ nói:

– Cháu không được phép cho ai vào nhà, vì bảy chú lùn đã cấm rồi.

Bà già nói: – Thế cũng chẳng sao. Bà thấy con hiền lành xinh xắn nên muốn tặng con một quả táo thôi.

Bạch Tuyết nói: – Không, cháu không được phép nhận một thứ gì cả.

Bà già nói: – Con gái, con sợ gì chứ, quả táo này rất ngon, ta sẽ bổ ra nhé, con ăn nửa chín, ta ăn nửa xanh kia, được không?

Quả táo được tẩm thuốc rất khéo léo: chỉ nửa táo chín đỏ ngấm thuốc độc, Bạch Tuyết nhìn nửa táo chín đỏ mọng thì thích lắm, thấy bà lão kia ăn không sao cả, nên cô đưa tay nhận táo về. Ai dè cô vừa cắn được một miếng thì ngã lăn ra chết liền. Hoàng hậu nhìn cô rồi đắc ý:

– Bạch Tuyết đẹp tuyệt trần cũng đã không còn, giờ đây ta chính là người đẹp nhất. Ha ha ha!!!

Vừa bước ra khỏi cửa thì bảy chú lùn vừa lúc đi làm về, bà ta vội vàng bỏ chạy, bảy chú lùn đuổi theo, trời bỗng nhiên nổi mưa lớn, mây đen kéo đến ùn ùn, sấm chớp đầy trời, đuổi theo bà ta đến ngọn núi. Chẳng may mụ Hoàng Hậu sảy chân ngã xuống vách núi và chết.

Các chú lùn vội vã quay về nhà, vừa bước vào cửa thì thấy ngay Bạch Tuyết nằm dưới đất, tim đã ngừng đập, không thấy hơi thở ra nữa, Bạch Tuyết đã chết. Bảy chú lùn nâng cô dậy, tìm xem có dấu vết chất độc nào không, rồi lấy nước và rượu lau mặt cho cô nhưng chẳng ăn thua gì; cô bé tội nghiệp ấy đã chết, chết thật rồi. Họ mang cô vào quan tài, cả bảy người thương xót cô, khóc tận ba ngày liền, sau đó họ định mang cô đi chôn, nhưng lại kì thay, Bạch Tuyết vẫn xinh đẹp như trước, đôi môi vẫn đỏ như son, tóc vẫn mềm mượt đen nhánh, làn da vẫn hồng hào. Dường như cô chỉ đang ngủ vậy. Họ không nỡ chôn cô xuống đất, bèn đóng một chiếc quan tài bằng thủy tinh cho cô. Các chú lùn rải hoa xung quanh, ngày ngày thay hoa mới cho cô, lũ chim chóc ngày ngày đến hót líu lo, mong cô tỉnh dậy. Đã bao ngày tháng trôi qua, Bạch Tuyết vẫn nằm y nguyên như thế.

Một ngày nọ, có một chàng hoàng tử nước láng giềng nghe kể về cô gái nằm trong chiếc quan tài thủy tinh, chàng tìm đến khu rừng nọ, chàng cũng men theo đường mòn đến ngôi nhà của bảy chú lùn. Thấy cảnh bảy chú lùn đang rầu rĩ bên cạnh cô gái thì chàng ngạc nhiên lắm. Nhìn kĩ chàng thấy cô gái đang nằm vô cũng xinh đẹp, giống y như cô gái chàng hay gặp trong mơ vậy, chàng tiến đến bên cô, đặt vào môi cô một nụ hôn. Bỗng nhiên, Bạch Tuyết mở mắt tỉnh dậy, bảy chú lùn như không tin vào mắt mình, vội vàng hò reo vui sướng, muông thú nhảy nhót tưng bừng.

Hoàng tử quỳ xuống cầu hôn cô và ngỏ ý lấy cô làm vợ, Bạch Tuyết gật đầu đồng ý. Cuối cùng hai người chia tay bảy chú lùn, Hoàng tử đưa cô về cung, hai người sống hạnh phúc bên nhau.

Ý nghĩa truyện cổ tích Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn và bảy bài học ý nghĩa cho bé mà người Mỹ dạy con

Truyện cổ tích Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn với những tình tiết kỳ thú và sinh động đã cuốn hút bao thế hệ người đọc. Đây là một trong những truyện cổ tích nổi tiếng thế giới trong bộ truyện cổ Grimm. Truyện đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Truyện cổ tích Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn hàm chứa nhiều bài bài học cuộc sống có giá trị. Dưới đây là những bài học cuộc sống ý nghĩa từ truyện Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, khi các bậc cha mẹ Mỹ kể lại cho con họ câu chuyện này:

1. Lòng tốt luôn tiềm ẩn trong mỗi con người

Hoàng hậu độc ác ra lệnh cho người thợ săn đưa Bạch Tuyết vào rừng sâu và giết nàng. Tuy nhiên ông thất bại khi đóng vai kẻ ác, không phải bởi vì ông không có khả năng làm điều đó mà chính là vì sự đáng yêu và trong sáng của Bạch Tuyết đã kêu gọi lòng tốt ẩn chứa trong ông.

2. Hãy thận trọng với người lạ và không để cho họ vào nhà

Mặc dù lòng tốt của người lạ đã cứu sống Bạch Tuyết nhiều lần nhưng sự ngây thơ của Bạch Tuyết đã khiến nàng ăn phải táo độc của nữ hoàng cải trang làm bà cụ bán hàng. Bạch Tuyết đã nhẹ dạ ăn quả táo độc của bà lão để rồi rơi vào một giấc ngủ sâu.

Qua truyện cổ tích nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, các em hãy ghi nhớ không mở cổng hoặc cửa để cho người lạ vào nhà. Không ăn hoặc nhận quà từ người mà mình không quen biết!

3. Không bao giờ từ bỏ hi vọng

Mặc dù nữ hoàng gần như đã thành công với âm mưu tiêu diệt nàng công chúa xinh đẹp nhưng cuối cùng cái thiện đã chiến thắng cái ác.

Trong truyện cổ tích nàng Bạch tuyết và bảy chú lùn, Hoàng tử đã không bỏ cuộc dù biết rằng Bạch Tuyết có thể sẽ không bao giờ tỉnh dậy, chàng hi vọng nụ hôn của mình sẽ đánh thức Bạch Tuyết và cứu sống nàng.

4. Người tốt sẽ được đền đáp

Bạch Tuyết luôn hết lòng quan tâm đến bảy chú lùn và ngôi nhà của họ, đáp lại tình cảm này, các chú lùn luôn đã bảo vệ Bạch Tuyết và chăm sóc chu đáo cho nàng. Bài học từ Bạch Tuyết dạy cho con rằng, nếu con làm nhiều việc tốt thì con sẽ không chỉ được đền đáp mà còn có được những “phần thưởng” của riêng mình.

5. Ghen tuông khiến con người trở nên nguy hiểm

Tất cả những rắc rối xảy ra với công chúa Bạch Tuyết có nguồn gốc từ sự ghen tuông không kiểm soát của hoàng hậu, một tấm gương cho con về sự nguy hiểm và đau khổ có thể được tạo ra bởi sự ghen tuông, đố kỵ.

6. Bạn bè ở khắp mọi nơi. Tình bạn là một kho báu.

Khi nàng Bạch Tuyết đáng thương của chúng ta bơ vơ đói rét giữa rừng sâu, không còn nơi nào để đi, cô đã được chào đón tại nơi ở khiêm tốn của bảy chú lùn. Những sinh vật nhỏ bé hoàn toàn không giống con người nhưng lại có lòng tốt bụng hơn rất nhiều người, đã dang rộng vòng tay ôm lấy cô như những người bạn thân thực thụ, chia sẻ với cô mọi thứ dù chúng chỉ là những chiếc chén đĩa hay ổ bánh mỳ nhỏ xíu. Dù chúng ta có rơi vào hoàn cảnh bế tắc như thế nào, hãy cảm ơn vì vẫn có những người bạn ở bên cạnh mình.

Thứ giá trị nhất trong thế giới của Bạch Tuyết là tình yêu của các bạn dành cho nàng. Tình bạn ấy đã giúp Bạch Tuyết vượt qua những thời điểm khó khăn nhất và đóng vai trò rất lớn trong việc cứu sống Bạch Tuyết.

7. Lắng nghe và làm theo lời khuyên của bạn thân nhất

Những chú lùn nhiều lần nhắc nhở Bạch Tuyết không nên nói chuyện với người lạ và cho người lạ vào nhà. Vì không nghe theo lời khuyên của các chú lùn, Bạch Tuyết đã bị nữ hoàng đánh lừa và đầu độc khiến nàng hôn mê.

Đọc thêm truyên cổ tích:

Sự tích Hoa Hướng dương và những bài học ý nghĩa về tình yêu 5

Sự tích hoa dạ lan hương – Loài hoa mang dáng vẻ tao nhã với hương thơm nồng nàn quyền rũ về đêm

Cô bé bán diêm – Truyện cổ tích nổi tiếng thế giới của nhà văn Andersen

Truyện cổ tích Thạch Sanh – Lý Thông: Bài học cho những kẻ như “Lý Thông” làm thì ít mà thích tranh công, cướp thành quả

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *